Xe xăng – thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường
Kỷ nguyên của động cơ đốt trong sắp đi đến hồi kết, đó là nhận định chung của nhiều quốc gia. Theo nhiều nghiên cứu, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới, chiếm 70 – 90%. Lượng phương tiện giao thông này thải ra lượng lớn khí độc hại như SO2, NO2, CO… và tạo ra bụi khí. Chỉ 10 – 30% là do hoạt động công nghiệp và sinh hoạt.
Đó là lý do khiến chính phủ nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Na Uy, Đức, Hà Lan… chi hàng tỷ đô la mỗi năm cho việc nghiên cứu phương tiện giao thông sử dụng động cơ điện và tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe chạy bằng xăng, dầu.
Còn tại Việt Nam, theo TS Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện KH&CN Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), với 54 triệu chiếc xe máy được đăng ký lưu hành, tỷ lệ sở hữu xe máy là 565 xe/1.000 dân với tỷ lệ 2,4 xe/ hộ gia đình – khí thải từ xe máy là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xe máy tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra khoảng 94% khí HC, 87% khí CO… trong tổng lượng khí thải của các loại xe cơ giới sử dụng cả xăng và dầu diesel.
Tuy nhiên, theo PGS, TS Ngô Trí Long, các phương tiện nhỏ gọn, linh hoạt và giá phù hợp như xe máy vẫn sẽ là sự lựa chọn của người dân. “Từ thực tế thu nhập, cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng ở nước ta, theo quan điểm của tôi, đến năm 2050, xe máy vẫn là phương tiện giao thông phù hợp nhất trong đô thị” – ông Long nói.
Giải pháp từ xe máy điện thông minh
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, một trong những biện pháp giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường là phát triển xe máy điện thông minh. Theo PGS, TS Ngô Trí Long, nếu xảy ra sự dịch chuyển của dòng phương tiện giao thông cơ giới chủ yếu ở Việt Nam hiện nay (xe máy sử dụng động cơ đốt trong) sang dòng xe “xanh” (cụ thể là xe máy điện thông minh) thì đó sẽ là lời giải cho vấn đề ô nhiễm không khí ở đô thị.
Đặc biệt, với vai trò nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính, ông Long nhận định, về lâu dài, xe máy điện thông minh mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người sử dụng.
“Chẳng hạn, so sánh về chi phí sử dụng của một chiếc xe ga sử dụng động cơ chạy xăng và một xe máy điện thông minh sử dụng pin lithium sau một vòng đời xe 10 năm, thì chi phí mà một chiếc xe máy điện thông minh tương tự xe VinFast Klara phải trả trong 10 năm đó ít hơn 48% so với xe xăng tay ga trong khoảng giá tương đồng”.
“Xe máy điện thông minh không phải thay thế các phụ tùng thay định kì như bugi, thay dầu, thay lọc gió lọc dầu… Với vòng đời 7,5 năm của pin lithium (phụ tùng bắt buộc thay thế định kì duy nhất của xe máy điện thông minh) dựa trên thông số kĩ thuật được cung cấp, đây là chi phí đắt nhất mà xe máy điện thông minh tiêu thụ (khoảng 11,6 triệu đồng).
Chi phí này vẫn thấp hơn so với chi phí phụ tùng cơ bản được tính chi tiết của xe xăng (khoảng 13,4 triệu đồng). Đặc biệt, chi phí tiêu thụ nhiên liệu của xe xăng nhiều hơn xe điện 18,5 lần (48,1 triệu đồng so với 2,6 triệu đồng theo giá xăng và điện hiện hành)” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Đồng tình với ý kiến trên, GS,TS. Lê Hùng Lân – Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ (Bộ KH&CN) cũng bày tỏ hi vọng về tương lai “xanh hóa” phương tiện giao thông ở Việt Nam.
“Một trong những hạn chế lớn nhất của xe điện là thiếu hạ tầng sạc pin, bảo dưỡng, sửa chữa. Tuy nhiên, với việc ra mắt chiếc xe máy điện thông minh đầu tiên và công bố một hệ sinh thái tổng thể lên tới hàng chục nghìn trạm sạc cùng các điểm bảo dưỡng, sửa chữa trên cả nước, hãng xe VinFast đã đưa ra lời giải cho bài toán sử dụng xe điện tại Việt Nam. Từ cách tiếp cận của VinFast, chúng ta đã có thể nhìn thấy một giải pháp cho tương lai giao thông thông minh của Việt Nam” – GS Lân bày tỏ hi vọng.
Pingback: Sử dụng xe điện tốt hay không? - Xe điện Anbico
Pingback: Xe máy điện có bền không? - Xe điện Anbico
Pingback: Sạc xe điện bao nhiêu tiền? - Xe điện Anbico
Pingback: Mua xe đạp điện loại nào tốt? - Xe điện Anbico
Pingback: Cập nhật giá bán xe đạp điện - Xe điện Anbico