Giảm kẹt xe: Nên hạn chế ô tô trước?

Đề xuất cấm xe máy ở TPHCM lại vấp phải phản ứng từ dư luận. Nguyên nhân chủ yếu của lần này cũng giống các lần trước, đó là phương tiện công cộng chưa thể đáp ứng nhu cầu, cấm xe máy thì dân đi bằng gì? Cá nhân tôi cho rằng nếu nhìn vấn đề giảm kẹt xe ở góc độ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì thay vì cấm xe máy, việc hạn chế ô tô có lẽ sẽ khả thi và hiệu quả hơn.

Kẹt xe trên cầu Sài Gòn, TPHCM

Không bàn tới những hạn chế về hạ tầng giao thông đô thị mà việc cải thiện chắc chắn chưa thể nào nhanh được, nghĩ tới giải pháp trước mắt và để chặn bớt đà kẹt xe có dấu hiệu trầm trọng lên rất nhanh, theo tôi, nguyên nhân gây kẹt xe nhiều nhất chưa hẳn là xe máy mà chính là ô tô. Trước hết, ô tô chiếm dụng phần lớn mặt đường, càng đông ô tô, càng nhanh kẹt đường. Việc hạn chế ô tô sẽ tạo sự thông thoáng giúp xe buýt lưu thông nhanh hơn, thu hút đông đảo hành khách hơn, thúc đẩy phát triển vận tải công cộng để người dân bỏ dần xe máy nhanh hơn.

Thứ hai, cấu trúc đô thị tại TPHCM hiện vẫn phù hợp cho xe máy hơn là ô tô. Tất nhiên, xe máy thiếu an toàn, người lái xe máy phải “dãi nắng dầm mưa”, không phù hợp với những người có tiền, không giúp tạo ra hình ảnh đô thị văn minh, hiện đại, nhưng với tình hình giao thông như hiện nay, cấm xe máy là không thực tế. Một khi giao thông công cộng chưa phát triển, cấm xe máy càng khiến số lượng ô tô tăng cao, mức độ kẹt xe sẽ càng trầm trọng.

Ngay chỉ trong thời gian ngắn gần đây, lượng ô tô lưu thông trên đường phố ngày càng nhiều hơn, đúng hơn là tăng đột biến. Hàng ngày tôi đi làm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh thấy làn đường dành cho ô tô khá rộng nhưng vẫn kẹt xe, nhiều người lái ô tô lấn sang làn đường của xe máy. Tại nhiều khu vực thường xảy ra kẹt xe khác, tôi quan sát thấy ô tô chiếm dụng hơn hai phần ba mặt đường. Với các tuyến đường hẹp, lưu thông hai chiều, chỉ cần hai chiếc ô tô lách nhau cũng có thể gây ùn ứ. Vào giờ cao điểm, chỉ cần một chiếc ô tô gặp sự cố phải dừng lại là có thể gây kẹt xe kéo dài. Trong khi đó, xe máy linh hoạt hơn, có nhiều ngõ ngách để thoát ra, đặc biệt với cấu trúc đô thị nhiều đường ngang, hẻm nhỏ.

TPHCM hiện có hơn 640.000 ô tô và khoảng 7,4 triệu xe máy. Theo tính toán, một người đi xe máy chiếm chỉ 1,2 mét vuông mặt đường trong khi một ô tô chiếm hơn 6 mét vuông, và không phải lúc nào cũng có đủ người trên ô tô, nhiều khi trên một ô tô 5 chỗ, thậm chí 7 chỗ nhưng chỉ có một người.

Theo thống kê của cơ quan chức năng ở TPHCM, lượng ô tô đăng ký liên tục tăng. Trong sáu tháng đầu năm 2016, lượng ô tô đăng ký mới tăng 86% so với cùng kỳ năm 2015. Trong năm 2015, mỗi ngày đăng ký khoảng 100 chiếc. Đến năm 2016, con số này là 180 chiếc, riêng trong tháng 7-2016, bình quân mỗi ngày đăng ký mới tới 192 chiếc ô tô.

Thực tế, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu ngày càng tăng, nhất là các loại xe giá rẻ nhập từ Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Và theo thỏa thuận mở cửa nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giữa các nước Đông Nam Á có hiệu lực đầy đủ từ năm 2018, đà gia tăng ô tô nhập khẩu còn tiếp tục tăng. Trong quí 1-2017, chỉ riêng lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập từ Ấn Độ về Việt Nam ước tính hơn 4.780 chiếc, tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2016.

Do vậy, để giảm kẹt xe ngay lúc này, bên cạnh tổ chức phân luồng giao thông phù hợp hơn, trước hết, nên hạn chế ô tô cá nhân, nhất là vào giờ cao điểm. Có một số cách có thể nghiên cứu tính phù hợp để áp dụng, chẳng hạn ô tô có biển số chẵn được vào nội thành các ngày 2-4-6; biển số lẻ được vào các ngày 3-5-7; Chủ nhật được lưu thông bình thường (nhiều thành phố từng áp dụng cách này và thành công như Pari của Pháp, Jakata ở Indonesia…); hoặc tăng giá giữ xe, đậu xe, phí lưu thông…; quy định số lượng ít nhất người ngồi trên ô tô 5 chỗ, 7 chỗ… trong những khung giờ cao điểm.

Tất nhiên như đã nói, hạn chế ô tô chỉ là một biện pháp trước mắt, tiến tới thiết lập một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, nhanh chóng, phủ khắp, giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của đa số người dân. Những giải pháp lâu dài vẫn thuộc về tầm nhìn quy hoạch, việc tổ chức lại sinh hoạt xã hội như hạn chế cấp phép xây nhà cao tầng ở khu trung tâm, điều chỉnh lệch giờ học giờ làm, giãn dân, tăng cường đầu tư hạ tầng dịch vụ cho khu vực ngoại thành…

Theo thời báo Saigon Times


Anbico – chuyên sản xuất, lắp ráp xe máy điện, xe đạp điện – Anbico đã có mặt tại 51 tỉnh, thành trên cả nước với hơn 250 cửa hàng bán lẻ
Hotline: 0984 454 9166
Website: https://anbico.vn/